Nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) được xem như một trong những người tiên phong trong trường phái Tâm lý học nhân văn (humanistic psychology). Năm 1943, ông đã phát triển một trong các lý thuyết mà tầm ảnh hưởng của nó được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đó là lý thuyết về Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người. Trong lý thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự cấp bậc, trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn trước. Tổng quan về lý thuyết Thang bậc nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs). Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
– Nhu cầu cơ bản (basic needs) thường được gọi là nhu cầu sinh học
– Nhu cầu về an toàn (safety needs)
– Nhu cầu về xã hội (social needs)
– Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
– Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
1. Nhu cầu cơ bản (basic needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái… Đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất.Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn. Những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động mãnh liệt khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được.
Chúng ta có thể tự mình kiểm chứng dễ dàng điều này khi cơ thể không khỏe mạnh, đói khát hoặc bị các vấn đề về sinh lý thì lúc ấy các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu.
2. Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs):
Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức các nhu cầu này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần.Nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, có nhà cửa để ở, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật… Nhiều người còn tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học, tâm linh cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần.Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm, …cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.
* Thông qua việc nghiên cứu 2 cấp bậc nhu cầu trên từ đó chúng ta có thể thấy nhiều điều thú vị:
– Muốn kìm hãm hay chặn đứng sự phát triển của một người nào đó, cách cơ bản nhất là tấn công vào các nhu cầu bậc thấp của họ. Nhiều người làm việc và chịu đựng các đòi hỏi vô lý, các bất công, vì họ sợ bị mất việc làm, không có tiền nuôi bản thân và gia đình, họ muốn được yên thân…
– Muốn một người phát triển ở mức độ cao thì phải đáp ứng các nhu cầu bậc thấp của họ trước: đồng lương tốt, chế độ đãi ngộ hợp lý, nhà cửa ổn định… Chẳng phải ông bà chúng ta đã nói: “An cư mới lạc nghiệp” hay sao? Doanh nghiệp cần nắm rõ điều này để có thể thu hút và giữ chân được người tài.
– Một đứa trẻ đói khát cùng cực thì không thể học tốt, một đứa trẻ bị stress thì không thể học hành, một đứa trẻ bị sợ hãi, bị đe dọa thì càng không thể học. Lúc này, các nhu cầu cơ bản, an toàn, an ninh được kích hoạt và nó chiếm quyền ưu tiên so với nhu cầu học hành. Thực tế các nghiên cứu về não bộ cho thấy, trong các trường hợp bị sợ hãi, bị đe doạ về mặt tinh thần và thể xác, não người tiết ra các hóa chất ngăn cản các quá trình suy nghĩ, học tập.
3. Nhu cầu về xã hội (social needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, …Nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau 2 nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng NẾU nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống độc thân thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh, hô hấp hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế giới này với lý do: “Những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.
Để đáp ứng cấp bậc nhu cầu thứ 3 này, nhiều công ty đã tổ chức cho các nhân viên có các buổi cắm trại ngoài trời, cùng chơi chung các trò chơi tập thể, nhà trường áp dụng các phương pháp làm việc theo nhóm, các phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường được giao trách nhiệm tập hợp các em, định hướng các em vào những hoạt động bổ ích. Các kết quả cho thấy: các hoạt động chung, hoạt động ngoài trời đem lại kết quả tốt cho tinh thần và hiệu suất cho công việc được nâng cao.
Kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên cũng đưa đến kết luận: phần lớn các em học sinh sống trong các gia đình hay bất hòa, vợ chồng lục đục, thiếu quan tâm, tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như các em học sinh khác.
4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện 2 cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứatrẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.
Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tương thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý mến, đồng thời chúng ta cũng phấn đấu để cảm thấy mình có “vị trí” trong nhóm đó.
5. Nhu cầu được thể hiện mình/ Khẳng định bản thân (self-actualizing needs):
Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person’s need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.
Chúng ta có thể thấy nhiều người xung quanh mình, khi đã đi đến đoạn cuối của sự nghiệp thì lại luôn hối tiếc vì mình đã không được làm việc đúng như khả năng, mong ước của mình. Hoặc có nhiều trường hợp, một người đang giữ một vị trí lương cao trong một công ty, lại vẫn dứt áo ra đi vì muốn thực hiện các công việc mà mình mong muốn, cái công việc mà Maslow đã nói “born to do”. Đó chính là việc đi tìm kiếm các cách thức mà năng lực, trí tuệ, khả năng của mình được phát huy và mình cảm thấy hài lòng về nó.
Có 2 nguyên tắc mà bạn phải nhớ khi Áp dụng tháp nhu cầu Maslow:
Nguyên tắc 1: Khi người ta thỏa mãn nhu cầu ở bậc thấp người ta sẽ bắt đầu nhu cầu ở bậc tiếp theo.
Nguyên tắc 2: Khi một nhu cầu đang thỏa mãn mà bị đe dọa thì nhu cầu đó trở thành cấp bách.
Cùng một thời điểm con người có cả 5 nhóm nhu cầu này nhưng mức độ thúc ép khác nhau. Con người hành động để thỏa mãn một nhu cầu cấp thiết nhất đối với họ tại thời điểm đó, mối đe dọa càng mạnh thì hành động càng mãnh liệt. Điểm hay của tháp nhu cầu là sẽ giúp ta hiểu mình, hiểu người và hiểu sự việc hơn. Mỗi người đang ở một bậc thang nhất định.
Khi cần thuyết phục một ai đó làm theo ý mình ta cần nghiên cứu kỹ họ đang ở bậc nhu cầu nào và hành động đáp ứng nhu cầu đó của họ tại thời điểm đó sẽ mang lại những tín hiệu tích cực. Câu nói thường thấy ở mỗi cấp độ khác nhau để nhận diện và ứng dụng tháp nhu cầu Maslow:
Cấp độ 1 “Thiết yếu:Như vậy mỗi đối với một nhóm người nhất định sẽ có những sản phẩm, dịch vụ nhất định đáp ứng nhu cầu của họ tại thời điểm đó.
“Tôi ước gì tôi có thức ăn để tồn tại”
Cấp độ 2: An Toàn:
“Tôi ước có một công việc ổn định”
Cấp độ 3 :Hoà hợp:
“Tôi muốn thuộc về một nhóm người yêu thương tôi”
Cấp độ 4 “Tôn Trọng”:
“Tôi ước tôi có một công việc được mọi người tôn trọng và tôi được ngồi trong máy lạnh cả ngày”
Cấp độ 5 “Thể hiện”:
“Tôi ước tôi có một đường sống mà tôi yêu thích, được trả nhiều hơn những người khác và giúp được nhiều người”
Khách hàng thượng lưu mong muốn thể hiện mình.
Về nguyên tắc thì mỗi nhu cầu đều không bao giờ thỏa mãn được. Khi đã có nhiều tiền thì muốn nhiều tiền hơn; Khi đã an toàn thì muốn an toàn hơn… Nhưng về bản chất mỗi người đều có một mức thỏa mãn nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, khi càng làm để thoả mãn nhiều hơn nữa một nhu cầu anh ta có thể làm giảm thỏa mãn một nhu cầu khác.
Nhưng khi mất cái gì đang có thì người ta mới cảm thấy cái đó quý. Khi đang có cảm giác an toàn, bỗng nhiên anh ta cảm thấy mất an toàn, lập tức anh ta sẽ có những hành động để tìm kiếm lại sự an toàn.
Ví dụ: Một người giàu có sự nghiệp ổn định bỗng dưng bị bênh phải nhập viện thì lúc này anh ta đang ở mức thấp nhất trong thang nhu cầu (đối với anh ta lúc này anh ta chỉ muốn được khỏe mạnh, đi lại, ăn uống bình thường) nhưng sau khoảng thời gian điều trị sức khỏe dần hồi phục thì nhu cầu anh ta sẽ được đẩy lên mức cao nhất (mong muốn làm được những việc mình yêu thích một cách tự do thoải mái) là điều dễ hiểu.
Hãy linh hoạt ứng dụng để có thể giúp bản thân, những người xung quanh gặt hái được những kết quả tốt hơn trong cuộc sống.